Phụ nữ là đối tượng dễ mắc viêm bàng quang hơn so với nam giới nhiều lần. Rát bỏng khi đi tiểu, buồn tiểu liên tục, đau ở bụng dưới…là những triệu chứng thường gặp nhất. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp phòng tránh hữu hiệu để phụ nữ luôn có một cơ thể khỏe mạnh.
Lý do phụ nữ mắc viêm bàng quang
Phụ nữ thường dễ dàng bị mắc chứng viêm bàng quang hơn so với nam giới. Tuy dễ xử lý nhưng bệnh rất khó điều trị nếu không được phát hiện sớm và đã có biến chứng. Dưới đây là một số lý do mà chị em phụ nữ dễ bị mắc chứng bệnh này:
Cấu tạo đường tiểu
Hệ tiết niệu – sinh dục của nữ có cấu tạo phức tạp hơn. Niệu đạo, tức đường dẫn nước tiểu của phụ nữ ngắn nên mầm bệnh ở vùng hậu môn thường di chuyển dễ dàng đến bàng quang.
Sử dụng thuốc tránh thai
Loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ là cản trở sự bài tiết, thay đổi hệ vi khuẩn ở cơ quan sinh dục – tiết niệu, dẫn đến viêm nhiễm bàng quang.
Vệ sinh không đúng cách
Việc không làm sạch đầy đủ hoặc ít thay băng trong kỳ kinh nguyệt dễ dẫn đến viêm nhiễm. Ngược lại, làm vệ sinh quá nhiều cũng không tốt vì chất diệt khuẩn trong các sản phẩm làm sạch có thể gây hại.
Xịt vòi sen vào âm đạo
Đây cũng là một cách vệ sinh sai lầm, khi tia nước xịt trực tiếp vào âm đạo sẽ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn.
Thay đổi nội tiết
Một số trường hợp viêm bàng quang chịu ảnh hưởng của đời sống tình dục và sự thay đổi hoóc môn. Ở phụ nữ, chứng viêm này hay xuất hiện vào thời kỳ đang mang thai hoặc mãn kinh, vì đây là giai đoạn thay đổi hoóc môn mạnh mẽ nhất.
Chọn quần áo
Mặc quần áo quá chật và làm bằng những chất liệu có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, vùng kín bị ẩm ướt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Thời điểm phụ nữ dễ mắc viêm bàng quang
Dưới đây là một số thời kỳ mà phụ nữ dễ bị mắc viêm bàng quang hơn:
1. Bắt đầu đời sống tình dục:
Là lúc vết rách ở màng trinh có thể gây viêm bàng quang, các mảng rách của màng trinh dính vào vách âm đạo tạo điều kiện cho mầm bệnh đi lên bàng quang. Đây là chứng viêm bàng quang của tuần trăng mật, có khi kéo dài đến khi có con.
2. Trong thời gian mang thai
Có đến 10% phụ nữ có thể bị nhiễm trùng niệu đạo trong thời gian mang thai. Đó là do sự phát triển của bào thai kéo theo tình trạng ứ đọng nước tiểu.
Ngăn ngừa chứng bệnh này bằng cách uống nhiều nước để tiểu nhiều, chăm sóc tại chỗ. Nếu bị nhiễm trùng thì cần có các chỉ định điều trị của thầy thuốc vì cần hết sức thận trọng trong việc dùng thuốc khi mang thai.
3. Sau khi sinh
Sau khi sinh các vết rách ở bộ phận sinh dục làm giảm bớt khoảng cách giữa hậu môn và cơ quan sinh dục nữ làm tăng khả năng vi khuẩn xâm nhập.
4. Tuổi mãn kinh
Tuổi mãn kinh hoóc môn sinh dục ngưng tiết ra kéo theo việc hẹp và khô âm đạo làm màng nhầy dễ vỡ, kèm với sức đề kháng kém sẽ dễ dàng cho vi khuẩn tấn công.
Biện pháp phòng tránh hiệu quả
Để phòng tránh hiệu quả, phụ nữ cần lưu ý một số lời khuyên giúp phòng tránh hiệu quả chứng bệnh này:
Uống đủ nước mỗi ngày giảm nguy cơ mắc viêm bàng quang
- Nên uống đủ nước mỗi ngày để cơ thể có thể bài tiết tốt tránh tình trạng nước tiểu bị ứ đọng ở bàng quang (1,5-2 lít nước/ngày)
- Không nên nhịn tiểu, đi tiểu ngay khi có nhu cầu vì nhịn tiểu sẽ gây ứ đọng nước tiểu ở bàng quang
- Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục sẽ có tác dụng đẩy các vi khuẩn có hại theo nước tiểu ra bên ngoài
- Mặc thoáng mát, tránh gây ẩm ướt hay làm tăng nhiệt độ cơ thể. Tránh mặc quần áo quá chật và bí, nhất là đồ lót vì sẽ kích thích tiết mồ hôi.
- Ăn nhiều protid như cá, thịt để axit hóa nước tiểu
Trong trường hợp bệnh tái phát nhiều lần:
Khi bệnh tái đi tái lại cần xét nghiệp vi khuẩn – tế bào học rất cần thiết, tiếp theo là tiến hành làm kháng sinh đồ khi đã xác định được chủng vi khuẩn gây bệnh. Theo kết quả thăm dò, có đến 30% phụ nữ bị viêm bàng quang đã mua thuốc tự điều trị mà không có chỉ định của thầy thuốc.
Với phụ nữ đau vì tiêu chảy hay táo bón, có thể nghĩ đến nguyên nhân nhiễm trùng từ ruột do các chủng vi khuẩn đường ruột xâm nhiễm bàng quang. Trong trường hợp này cần quan tâm chăm sóc các rối loạn đường ruột.
Khi bệnh đường tiết niệu do nguồn gốc từ bàng quang thì trong 10% trường hợp tìm thấy sỏi, túi thừa dưới niệu đạo hoặc đôi khi là do pôlyp của bàng quang.
Do đó cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có cách điều trị thích hợp và đúng hướng.
Nguồn: SKDS