Phụ nữ có thai rất dễ bị viêm âm đạo. Nếu không điều trị dứt điểm tình trạng này có thể lây truyền sang thai nhi. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn tới nguy cơ sinh non, trẻ đẻ ra sẽ nhẹ cân, nặng hơn có thể làm thai nhi tử vong trong tử cung.
Nguyên nhân gây viêm âm đạo ở bà bầu
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ thường suy yếu, giảm sức đề kháng và sự thay đổi nội tiết của thai phụ làm thay đổi độ pH của môi trường âm đạo khiến vi khuẩn có điều kiện sinh sôi nảy nở. Hơn nữa, thời kỳ nảy, trong âm đạo có sự tăng tiết đường khiến cho nấm men Candida vốn có trong âm đạo phát triển mạnh, gây ra nấm âm đạo. Tình trạng nhiễm nấm âm đạo trong giai đoạn mang thai là hoàn toàn bình thường, song đòi hỏi chị em phải điều trị triệt để, tránh để lâu dài làm ảnh hưởng tới sức khỏe hai mẹ con.
Biểu hiện viêm âm đạo ở phụ nữ mang thai
Khi gặp những biểu hiện dưới đây bà bầu nên chú ý vì nó rất có thể là những triệu chứng của bệnh viêm âm đạo:
- Vùng âm đạo ngứa, đau, tấy đỏ và nóng rát.
- Thường xuyên buồn tiểu, tiểu nhiều, sưng hoặc tấy ở phía ngoài âm đạo.
- Dịch tiết âm đạo thay đổi: có màu trắng hoặc ngà.
Ảnh hưởng của viêm âm đạo tới thai nhi
Nếu đến kỳ sinh nở, bà mẹ vẫn bị nấm âm đạo thì khi em bé đi qua âm đạo có thể bị dính nấm vào niêm mạc miệng gây ra nấm niêm mạc miệng hoặc viêm da do nấm. Nếu bé đã bị suy dinh dưỡng từ trong tử cung hoặc sinh non, sức đề kháng yếu, có thể gặp tình trạng viêm phổi do nấm, song hiếm gặp.
Phòng tránh viêm âm đạo
Khi gặp phải viêm âm đạo, phụ nữ nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng đều nên có biện pháp phòng tránh hiệu quả, dưới đây là một số lời khuyên cho mọi người:
- Giảm ăn đường và đồ ngọt. Giữ vùng kín luôn khô thoáng.
- Nên mặc đồ lót rộng, bằng chất liệu dễ thấm mồ hôi, dịch. Tránh mặc đồ bó sát, chúng sẽ khiến vùng kín trở nên “bí”, dễ nóng ẩm.
- Nếu đã bị bệnh, chị em không nên tắm lâu, tắm nước nóng hay mặc quần jeans. Nên tắm bằng nước ấm sạch.
- Tránh dùng xà phòng, sữa tắm hoặc chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín, chúng sẽ làm thay đổi môi trường âm đạo khiến tăng khả năng bị nhiễm nấm.
- Không nên thụt rửa âm đạo nếu không có sự hướng dẫn của bác sỹ.
- Khi vệ sinh, nên vệ sinh từ trước ra sau để tránh nhiễm vi khuẩn từ hậu môn lên.
- Không dùng chất khử mùi. Nếu bạn đi bơi thì nên giặt sạch đồ và phơi khô sau khi bơi xong.
Điều trị viêm âm đạo
Việc điều trị nên được bác sỹ khám và tư vấn, không nên tự ý dùng thuốc tại nhà. Thông thường, bác sỹ sẽ kiếm tra tình trạng của bạn và hướng dẫn đặt thuốc âm đạo. Thuốc uống thường ít được sử dụng trong trường hợp này vì có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thay đổi chế độ ăn để đáp ứng với điều trị tốt hơn.
Thực phẩm nên ăn
- Bạn nên ăn nhiều sữa chua. Sữa chua giúp tăng khả năng đề kháng và các vi sinh có trong đó sẽ cung cấp cho bạn những chất kháng viêm tự nhiên tốt cho cơ thể.
- Ăn nhiều rau tươi và trái cây, uống nhiều nước. Điều này sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ nhiễm trùng niệu đạo.
- Bạn có thể uống bổ sung men vi sinh, song cần hỏi ý kiến bác sỹ trước khi dùng.
Thực phẩm nên tránh
- Các loại gia vị cay: hạt ớt, tiêu, tỏi, gừng,… Chúng có tính nóng, làm tăng sự tích tụ chất độc trong cơ quan nội tạng, gây sưng nướu, nước tiểu sẫm màu, hậu môn nóng rát và làm nặng thêm tình trạng viêm âm đạo.
- Các loại hải sản: cá biển, bạch tuộc, mực, tôm, cua,… Chúng sẽ làm vùng kín trở nên nóng ẩm, khiến vi khuẩn, nấm có điều khiện phát triển.
- Thực phẩm giàu chất béo: mỡ, kem, thịt lợn, bơ,… và thực phẩm có hàm lượng đường cao: bánh kẹo, chocolate,… do chúng làm tăng lượng đường trong âm đạo mà vi khuẩn, nấm rất thích điều này.
- Không nên uống rượu bia, hút thuốc lá,…
Khi mang thai, cơ thể người mẹ hết sức nhạy cảm. Do vậy, chị em cần trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ và thực hành các biện pháp phòng tránh để đảm bảo sức khỏe của hai mẹ con. Chị em cũng có thể đến gặp bác sỹ để có những lời khuyên phù hợp, đảm bảo cho cuộc sinh nở sau này.
NGUYET đã bình luận
E có thai 25 tuần, sáng nay thấy nước tiểu có cẵn đỏ sẫm như máu, nhưng quần lót lại ko thấy dính máu. Thai vẫn máy ạ. E đang bị gì vậy ạ?
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Chào bạn Nguyệt,
Ở một người khỏe mạnh, nước tiểu thường trong hoặc có màu hơi vàng nhạt. Màu nước tiểu thay đổi có thể do ảnh hưởng lượng nước uống hàng ngày, thực phẩm hoặc nhóm thuốc đang sử dụng, đôi khi cũng là dấu hiệu một số bệnh lý liên quan hệ tiết niệu. Bạn nên chú ý uống nhiều nước, ăn nhiều đồ mát, theo dõi thêm tình trạng màu nước tiểu của mình. Nếu có triệu chứng bất thường, nên đi khám kiểm tra để được chẩn đoán chính xác.
Cần hỗ trợ thêm, bạn vui lòng liên hệ tổng đài miễn cước 18001723 để nhận tư vấn trực tiếp bạn nhé!
Cảm ơn bạn, chúc bạn sức khỏe!