Bệnh giang mai là chứng bệnh lây lan chủ yếu qua đường tình dục, và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu chúng ta không phát hiện và chữa trị kịp thời. Dưới đây là một số biểu hiện của bệnh giang mai giúp mọi người có thêm kiến thức để phát hiện bệnh tốt hơn và có hướng xử lý.
Triệu chứng bệnh giang mai
Biểu hiện giang mai giai đoạn đầu
Giai đoạn này xuất hiện từ 3 – 6 tuần sau khi bị lây bệnh, xuất hiện săng giang mai. Săng giang mai là một vết trợt nông nơi xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể, hình tròn đều, không ngứa, không đau, nền hơi rắn, màu đỏ tươi, không có mủ, kèm theo có hạch ở bẹn.
Săng giang mai là biểu hiện nặng nhất của giai đoạn đầu. Đối với nam giới, săng giang mai thường xuất hiện ở quy đầu, rãnh quy đầu, bao quy đầu , trên đầu dương vật hoặc dây chằng, ngoài ra còn có thể xuất hiện ở hậu môn và miệng…
Biểu hiện giang mai giai đoạn 2
Xuất hiện sau giai đoạn đầu khoảng 6 tuần với các biểu hiện như sau:
- Nổi ban màu hồng hoặc hồng tím như cánh hoa đào, khi ấn vào thì mất, không bong vảy mà tự mất đi. Các ban này thường xuất hiện ở hai bên mạng sườn, ngực, bụng và tay. Ban xuất hiện dần trong vòng 1 đến 2 tuần, tồn tại trong vòng 1 -3 tuần rồi sau đó nhạt màu dần và tự mất đi.
- Xuất hiện sẩn giang mai, là những sẩn màu đỏ như trái dâu, gồ cao trên bề mặt da, có hình tròn hoặc bầu dục với nhiều kích thước khác nhau, có khi những sẩn này liên kết thành mảng.
- Niêm mạc tổn thương: Sẩn giang mai ở miệng, niêm mạc sinh dục, hậu môn. Vì mủn da nên các thương tổn này có màu trắng, niêm mạc mủn đi, bợt ra và trợt. Những bệnh nhân có các sẩn trợt ở niêm mạc, nhất là niêm mạc họng rất dễ hay lây cho người khác, không chỉ do quan hệ tình dục mà còn lây do tiếp xúc trong cuộc sống.
- Viêm hạch lan tỏa : các hạch vùng nách, bẹn, sau tai, dưới hàm trở nên chắc, cứng, không đau, di động ngay dưới da.
Triệu chứng trên có thể mất đi mà không cần điều trị, tuy không có tổn thương trông thấy bên ngoài nhưng bệnh vẫn tiến triển âm thầm và sau đó tái phát lại với mức độ nặng hơn.
Biểu hiện giang mai giai đoạn tái phát
Thường thì vào khoảng thời gian là cuối năm thứ 2 của bệnh, 1/4 số bệnh nhân sẽ xuất hiện trở lại các triệu chứng của giang mai ở giai đoạn 2 và có mức độ nặng hơn. Các biểu hiện chính của giai đoạn này như sau:
Gôm giang mai: Đây là những khối u sùi, tổn thương ăn sâu và khu trú vào lớp da, cơ và xương. Ban đầu gôm rất chắc, cứng sau đó mềm, loét chảy ra mủ sánh, đặc, có lẫn máu và không đau. Khi mủ chảy hết sẽ để lại một ổ loét tròn, đáy
Củ giang mai : là những tổn thương gồ lên mặt da (cao hơn sẩn), màu hồng đỏ, đường kính khoảng 1 cm, không đau. Thường tập trung thành từng đám, xếp theo hình nhẫn, hình cung hoặc vòng vèo, ranh giới rõ ràng. Củ giang mai không bao giờ tái phát trên sẹo cũ. Số lượng các củ có thể lên đến vài chục, chúng tiến triển không lành tính và để lại sẹo.
Nếu củ, gôm khu trú vào các tổ chức quan trọng và không được điều trị sẽ đe doạ tính mạng bệnh nhân. Nếu bệnh giang mai được phát hiện sớm và chữa trị đúng thì có thể điều trị khỏi hẳn.
Điều trị bệnh giang mai
Giai đoạn đầu
Tiêm bắp một liều duy nhất penicillin G để điều trị bệnh giang mai không biến chứng.
Nếu không có penicillin G có thể sử dụng Doxycycline và tetracycline thay thế (nhưng không dùng thuốc này cho phụ nữ có thai).
Giai đoạn biến chứng
Tiêm penicillin G liều cao vào tĩnh mạch ít nhất 10 ngày cho bệnh nhân giang mai thần kinh. Có thể tiêm cetriaxone thay thế nếu người bệnh bị dị ứng penicilline G.
Ở giai đoạn này việc điều trị chỉ là hạn chế sự tiến triển của bệnh chứ không thể cải thiện các thương tổn mà bệnh giang mai đã gây ra.
Biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh giang mai hiệu quả, cùng làm theo một số hướng dẫn của bác sĩ dưới đây:
- Tuyên truyền về phòng tránh và biểu hiện của bệnh giang mai cho mọi người để có kiến thức phát hiện bệnh sớm cũng như có cách phòng chống hiệu quả
- Chung thủy một vợ một chồng, không quan hệ bừa bãi
- Sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục
- Không sử dụng chung đồ tắm với người mắc bệnh giang mai
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ
Theo Baomoi