Viêm âm đạo mang đến cho chị em nhiều sự khó chịu và phiền toái. Không những vậy, nếu không được điều trị triệt để, bệnh dễ dẫn đến nguy cơ hiếm muộn và các biến chứng nguy hại khác. Vậy làm thế nào để phòng tránh viêm âm đạo? Trước tiên, bạn cần có các kiến thức cơ bản về bệnh, để từ đó có cách phòng tránh phù hợp.
Viêm âm đạo là gì?
Đây là một bệnh nhiễm trùng phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Bệnh xảy ra khi có sự mất cân bằng hệ vi khuẩn vốn có tại đây do sự thay đổi môi trường âm đạo (suy giảm miễn dịch, nội tiết tố nữ, môi trường bên ngoài âm đạo nóng ẩm,…) hoặc nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng từ ngoài vào: nấm men Candida, trùng roi Trichomonas, lậu, giang mai, HIV,…
Những nguyên nhân gây viêm âm đạo
Những nguyên nhân dưới đây làm bạn dễ dàng bị mắc chứng viêm âm đạo:
- Vệ sinh âm đạo không đúng cách, không thường xuyên.
- Sử dụng kháng sinh lâu dài.
- Thụt rửa âm đạo không đúng cách, đặt thuốc âm đạo trong thời gian dài.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch, rối loạn cân bằng nội tiết.
- Do thai kỳ.
- Dùng thuốc tránh thai, dụng cụ tránh thai.
- Để “vùng kín” tiếp xúc với môi trường ô nhiễm
Dấu hiệu mắc bệnh
Những dấu hiệu dưới đây cho biết bạn có thể bị mắc chứng viêm âm đạo và cần điều trị kịp thời:
- Thay đổi tính chất dịch tiết âm đạo: khí hư có màu trắng đục, vàng xanh, loãng hoặc đặc tùy căn nguyên gây bệnh,…
- Có mùi hôi ở bộ phận sinh dục, mùi này tăng lên sau khi quan hệ tình dục.
- Nóng rát, đau, ngứa âm đạo và các vùng xung quanh.
- Đau khi giao hợp
- Đau vùng khung chậu.
- Kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu: tiều buốt, tiều dắt, có thể tiểu ra máu,…
- Viêm âm đạo khi mang thai có thể sinh sớm, trẻ nhẹ cân, trường hợp nặng có thể hỏng thai.
Phòng tránh viêm âm đạo
Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục hàng ngày, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, mang thai, hậu sản, những ngày ra nhiều huyết trắng. Sử dụng nước ấm, sạch, không mùi, có thể dùng thêm dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, có khả năng diệt vi khuẩn.
Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy một vợ một chồng, vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ.
Giữ cho vùng kín luôn khô thoáng. Bạn nên mặc đồ thoáng mát, làm bằng chất liệu thấm hút tốt, nhất là quần lót. Tránh mặc đồ quá bó sát, ẩm ướt, chúng có thể làm tổn thương “vùng kín”, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Thay đồ lót thường xuyên.
Khi vệ sinh, nhất là sau khi đi ngoài, nên lau từ trước ra sau nhằm tránh các vi khuẩn ở hậu môn có thể xâm nhập ngược lên bộ phận sinh dục.
Không nên tự ý thụt rửa âm đạo khi không có chỉ dẫn của bác sỹ. Việc thụt rửa có thể làm thay đổi độ pH, cân bằng sinh lý bình thường của âm đạo.
Không dùng nước không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là nước ao hồ, kênh rạch để tắm rửa, vệ sinh.
Không nên sử dụng xà bông, sữa tắm hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín. Chúng cỏ thể làm thay đổi độ pH, xáo trộn môi trường tự nhiên của âm đạo.
Nên đi khám phụ khoa định kỳ hàng năm. Khi có bất kỳ biểu hiện gì bất thường, bạn nên tới ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Nếu đã bị mắc bệnh, cần tuân thủ chế độ điều trị, điều trị triệt để, không tự ý dùng thuốc để tránh những biến chứng và nguy cơ có thể xảy ra.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Điều quan trọng nhất trong phòng viêm âm đạo đó là giữ gìn vệ sinh. Trang bị những kiến thức về giữ gìn vệ sinh và thực hành chúng sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh.
Nieubao.vn