Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu thường gây ra do vi trùng, thường xảy ra lúc mang thai. Nếu không được điều trị bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng lớn tới mẹ và bé. Dưới đây là một số kiến thức về hiện tượng này, mẹ bầu cùng tham khảo nhé.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Hiện tượng nhiễm trùng đường tiểu gặp ở đối tượng nữ nhiều hơn nam, phụ nữ có thai là đối tượng mà bệnh thường “ghé thăm”. Tỷ lệ nhiễm trùng thai phụ khoảng dưới 10%.
Hiện tượng nhiễm khuẩn xảy ra khi các vi sinh vật ở ống tiêu hóa bám vào lỗ niệu đạo và sinh sản. Chủ yếu các trường hợp do vi khuẩn E.coli (Escherichia Coli) gây ra. Chúng có thể đi từ ruột già, phát triển ở niệu đạo gây bệnh, sau đó lan lên gây viêm bàng quang. Nếu lan lên thận có thể gây viêm thận bể thận.
Vi khuẩn E.Coli là nguyên nhân gây bệnh
Một trong những yếu tố làm phát triển hiện tượng viêm nhiễm đó là việc ứ đọng nước tiểu gây chèn ép lên niệu quản làm giãn đài bể thận hoặc do sự trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản.
2. Các dạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở bà bầu
Thể không có triệu chứng
Vi khuẩn gây bệnh thường không gây nên triệu chứng, do đó người bệnh rất khó phát hiện. Khi đó chỉ có xét nghiệm nước tiểu thì mới phát hiện ra bệnh, vì vậy từ lần khám thai đầu tiên bà bầu nên xét nghiệm nước tiểu để biết mình có mắc chứng bệnh này không.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây sảy thai, đẻ non hoặc con suy dinh dưỡng.
Viêm bàng quang
Những triệu chứng thường gặp:
- Đái buốt đái dắt
- Có thể có hiện tượng đái ra máu có mủ cuối bãi
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Người mệt mỏi nhưng không sốt
Nếu không được điều trị kịp thời bệnh nặng hơn có thể dẫn tới viêm thận, bể thận cấp.
Viêm thận, bể thận cấp
Đây được coi là thể nặng nhất của nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bệnh thường khởi phát đột ngột, người thường bị sốt 39-40 độC, cơ thể mệt mỏi li bì, đau vùng thắt lưng, đau âm ỉ đôi khi dữ dội từng cơn, đau xuyên xuốn hố chậu phải của bộ phận sinh dục.
Bệnh cần điều trị kịp thời nếu không sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Cách điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở bà bầu
Việc điều trị cho bà bầu thường gặp khó khăn vì nhiều người khá coi thường, nên bệnh không được điều trị kịp thời, lạm dụng thuốc và không có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
Đối với viêm bàng quang cấp
Nếu nhiễm khuẩn không có triệu chứng và ở thể viêm bàng quang cấp, bà bầu cần điều trị ngoại trú nhưng có sự theo dõi của bác sĩ, sử dụng loại kháng sinh không ảnh hưởng tới thai nhi. Điều trị cho tới khi hết nhiễm khuẩn.
Các kháng sinh dưới đây tuy có tác dụng mạnh đối với vi khuẩn nhưng khuyến cáo không nên dùng vì có hại cho thai nhi như: tetracyclin gây hại xương và mầm răng của thai (từ tháng thứ tư), gây dị tật ở ngón chân, ngón tay. Fluoroquinolon gây thoái hóa sụn khớp chịu lực, tuy chưa có đầy đủ thông tin thuốc gây tác hại đối với thai nhi…
Đối với viêm thận – bể thận cấp
Người bệnh cần được điều trị tại bệnh viện, được thăm khám đầy đủ về đường tiết niệu, tiến hành kiểm tra và siêu âm xem thai nhi có bị ảnh hưởng gì không. Sử dụng kháng sinh điều trị theo kháng sinh đồ.
Kháng sinh thường dùng là dạng tiêm tĩnh mạch cefazolin hoặc gentamycin kết hợp với ampicillin hoặc ceftriaxon. Nếu trường hợp đặc biệt (bị kháng thuốc hay có dị dạng đường niệu) thì cần dùng các biện pháp giải quyết nguyên nhân, cần chuyển lên tuyến, nơi có đủ điều kiện.
Biện pháp phòng bệnh
- Bà bầu cần kiểm tra nước tiểu định kỳ 3 tháng một lần để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
- Khi buồn tiểu cần đi tiểu ngay, không nên nhịn tiểu làm nước tiểu ứ đọng quá lâu ở bàng quang tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Vệ sinh vùng âm hộ, hậu môn khi đi vệ sinh, đi vệ sinh lau từ trước ra sau
- Đi tiểu trước và sau khi giao hợp
- Uống đủ nước không cô đặc nước tiểu, phòng chứng sỏi thận
Nieubao.vn