Viêm âm đạo là một bệnh hay gặp ở phụ nữ. Bệnh tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng nếu không điều trị có thể dẫn tới nguy cơ hiếm muộn và rất nhiều phiền toái khác. Việc hiểu biết nguyên nhân gây viêm âm đạo giúp bạn có thể phòng bệnh cũng như tránh các nguy cơ mà bệnh mang lại.
Căn nguyên gây bệnh
Viêm âm đạo do vi khuẩn thông thường
Bình thường, trong môi trường âm đạo tồn tại nhiều loại vi khuẩn. Chúng sống “hòa thuận” với nhau và không gây bệnh. Khi có bất kỳ yếu tố bên ngoài nào tác động phá vỡ sự cân bằng đó, như sử dụng kháng sinh lâu dài, dùng dụng cụ tránh thai, vệ sinh không sạch sẽ,… những vi khuẩn vốn “vô hại” này sẽ sinh sôi, phát triển và gây bệnh.
Biểu hiện: ra khí hư có mùi tanh, loãng, kèm theo ngứa, nóng rát. Mùi tanh nặng lên sau khi giao hợp.
Viêm âm đạo do nấm
Loại vi nấm hay gây bệnh là nấm Candida. Cũng như vi khuẩn, bình thường có một số lượng ít nấm sống trong âm đạo. Khi chúng phát triển nhiều lên sẽ gây viêm âm đạo do nấm. Các yếu tố khiến nấm có thể sinh sôi mạnh: mang thai, dùng thuốc tránh thai, bệnh tiểu đường, ung thư,…, thậm chí chế độ ăn nhiều đồ ngọt cũng là một yếu tố thuận lợi cho nấm phát triển.
Biểu hiện:
- Đau, ngứa ngoài âm đạo và các vùng xung quanh
- Ra nhiều khí hư, trắng, đặc, vón cục
- Ngoài ra có thể tiểu nhiều, tiểu buốt, đau khi quan hệ,…
Viêm âm đạo do trùng roi Trichomonas
Bệnh do trùng roi Trichomonas vaginalis thường gặp ở phụ nữ. Chúng ký sinh ở âm đạo, dịch tiết âm đạo, các nếp nhăn ở bộ phận sinh dục và nhiều vị trí khác. Ở nam giới cũng có thể nhiễm trùng roi, song các biểu hiện thường nhẹ và kín đáo hơn. Trùng roi xâm nhập vào cơ thể khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm, hoặc các điều kiện vệ sinh không đảm bảo: quần áo, nước rửa,… bị nhiễm ký sinh trùng.
Biểu hiện:
- Tiểu buốt
- Đau khi quan hệ
- Khí hư có màu vành xanh hoặc xám, đôi khi có bọt, có mùi hôi đặc trưng,…
Nguyên nhân viêm âm đạo
Viêm âm đạo chủ yếu do vệ sinh âm đạo không đảm bảo: vệ sinh không thường xuyên, nguồn nước bẩn, dùng giấy vệ sinh không sạch sẽ,…, thậm chí việc lau rửa mạnh tay cũng có thể làm tổn thương âm hộ, âm đạo gây viêm nhiễm.
Do quan hệ tình dục không an toàn làm lây truyền vi khuẩn, ký sinh trùng: nấm, trùng roi Trichomonas, lậu, giang mai, HIV,… Việc không vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ cũng là một yếu tố gây bệnh.
Sử dụng kháng sinh kéo dài, nhất là đặt thuốc âm đạo thời gian dài.
Thụt rửa âm đạo không đúng cách.
Do thai kỳ và các dụng cụ tránh thai không hợp vệ sinh.
Để vùng kín tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: các chị em mặc váy khi ngồi không để ý, để “cô bé” tiếp xúc với nền nhà, chỗ ngồi không sạch sẽ khiến vi khuẩn có thể xâm nhập vào vùng kín và gây bệnh.
Do bị bệnh tiểu đường và các nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch khác.
Cách phòng tránh viêm âm đạo
Dưới đây là một số biện pháp phòng tránh viêm âm đạo một cách hiệu quả, mọi người cùng tham khảo để có thể phòng tránh bệnh tốt nhất:
- Rửa âm đạo bằng nước ấm và không mùi, có thể dùng thêm dung dịch vệ sinh dịu nhẹ và có khả năng diệt vi khuẩn gây hại.
- Vệ sinh sạch sẽ thường xuyên trong kỳ kinh nguyệt, thai nghén, hậu sản, những ngày ra nhiều dịch âm đạo.
- Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục để bảo vệ bản thân và bạn tình.
- Mặc đồ lót cũng như quần áo thoáng mát, bắng các chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
- Không nên tự ý thụt rửa âm đạo, điều này khiến bạn dễ mắc bệnh viêm nhiễm.
- Giữ cho vùng kín luôn khô ráo.
- Nguồn nước sử dụng để vệ sinh phải đảm bảo sạch sẽ, không có nhiều vi khuẩn.
- Không dùng các chất tẩy rửa mạnh như xà bông, sữa tắm để rửa bộ phận sinh dục.
- Đi khám phụ khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, nhất là khi thay đổi tính chất dịch tiết âm đạo.
Để điều trị viêm âm đạo, bạn cần tới gặp bác sỹ chuyên khoa để được chẩn đoán và lựa chọn kháng sinh phù hợp. Tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc, điều này có thể khiến cho bệnh của bạn nặng hơn. Nhưng phòng tránh luôn tốt hơn điều trị. Do vậy, để có sức khỏe tốt nhất, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh, tránh những phiền toái mà bệnh có thể mang lại.
Nguồn: SKDS