Lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Bất kỳ người nào có hoạt động tình dục cũng có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt hay gặp ở người trẻ. Nhưng nhiều người mắc bệnh lại không có triệu chứng, hoặc chỉ có những biểu hiện thoáng qua. Do vậy, việc phát hiện bệnh gặp nhiều khó khăn, bệnh không được điều trị, dẫn tới những biến chứng nguy hại cho sức khỏe. Vậy làm thế nào để bạn biết mình đã bị mắc bệnh?
Bệnh lậu là gì?
Bệnh lậu là bệnh xã hội lây truyền qua đường tình dục phổ biến, do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Chúng có hình hạt cà phê và sống với nhau thành từng đôi nên thường gọi là song cầu lậu.
Phần lớn các trường hợp mắc lậu do quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh. Càng có nhiều bạn tình, nguy cơ mắc bệnh của bạn càng cao. Một số ít người bị lây bệnh do dùng chung quần áo, khăn, chậu bị nhiễm song cầu lậu. Khi người mẹ đang mang thai bị bệnh, họ có thể truyền vi khuẩn cho con khi sinh, gây viêm kết mạc mắt do lậu cho đứa trẻ.
Các biểu hiện của bệnh lậu
Đối với nam giới
Những triệu chứng đầu tiên của bệnh thường xuất hiện sau 3 – 5 ngày kể từ khi tiếp xúc với vi khuẩn, trường hợp sớm nhất là 1 ngày, chậm nhất là 2 tuần. Trước khoảng thời gian này, dù bạn không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, bạn vẫn có khả năng lây bệnh cho bạn tình.
Phần lớn nam giới bị mắc bệnh có những triệu chứng sau:
- Ban đầu có cảm giác khó chịu dọc niệu đạo, kèm theo đái dắt (đái lắt nhắt nhiều lần trong ngày nhưng số lượng nước tiểu ít), đái buốt.
- Đái ra mủ (nước tiểu đục), có thể chảy ra dịch đục ở lỗ niệu đạo, đặc biệt khi vuốt dọc từ gốc dương vật.
- Lỗ niệu đạo, bao quy đầu sưng đỏ. Đôi khi bệnh nhân có sốt, mệt mỏi
Một số trường hợp mắc bệnh nhưng lại không có triệu chứng hoặc triệu chứng mờ nhạt nên bị bỏ qua. Những bệnh nhân này thường không được điều trị dẫn tới bệnh kéo dài, lây truyền cho cộng đồng.
Sau 1 tháng mắc bệnh mà không điều trị hoặc điều trị không đúng, bệnh sẽ chuyển thành lậu mạn tính. Khi đó, các biểu hiện tiểu buốt, tiểu dắt, tiều mủ sẽ giảm, bệnh nhân có cảm giác nóng rát dọc niệu đạo khi đi tiểu, hiện tượng đái mủ chỉ còn vào lúc sáng sớm (gọi là “giọt mủ ban mai”). Bệnh có thể có các biến chứng như: áp xe, viêm tuyến tiền liệt,… với các triệu chứng đi kèm: sưng tấy, nóng đỏ tại vị trí ổ áp xe, sốt, mệt mỏi,…
Đối với nữ giới
Ở nữ giới, các triệu chứng thường nhẹ và kín đáo hơn, dễ nhầm với các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác. Thường sau khoảng 5 – 7 ngày tiếp xúc với mầm bệnh, có khi kéo dài sau 2 tuần, bệnh nhân có thể có các biểu hiện:
- Rối loạn tiểu tiện: đái buốt, đái dắt, đái ra máu, đái mủ, chảy mủ niệu đạo.
- Đau âm ỉ vùng bụng dưới, cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở vùng kín. Giao hợp đau.
- Sưng tấy, viêm đỏ vùng âm hộ, âm đạo
- Ra nhiều khí hư
- Có thể có sốt, nôn, buồn nôn.
Các biểu hiện của bệnh lậu ở nữ giới thường nhẹ, song điều đó không tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hại: viêm niêm mạc tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm tắc vòi trứng,…, có thể dẫn tới vô sinh.
Ngoài cơ quan sinh dục, vi khuẩn lậu còn có thể gây bệnh ở các vị trí khác:
Lậu ở họng, hầu: do quan hệ sinh dục – miệng: bệnh nhân thấy đau, ngứa họng, họng viêm đỏ, có thể kèm giả mạc.
Lậu hậu môn – trực tràng: do quan hệ sinh dục – hậu môn hoặc mủ chảy từ âm hộ xuống hậu môn (đối với nữ): bệnh nhân mót rặn, buồn đi ngoài liên tục, ban đầu có phân, sau đó chỉ ra chất nhày.
Lậu mắt ở trẻ sơ sinh: do mẹ bị bệnh truyền cho con lúc sinh. Bệnh thường xuất hiện sau đẻ từ 1 – 3 ngày. Trẻ có thể bị 1 hoặc cả 2 mắt, mắt sưng nề không mở được, chảy nhiều mủ, kết mạc, giác mạc viêm đỏ, loét.
Lậu mắt ở người lớn: do dùng chung khăn, chậu với người bệnh hoặc chính bệnh nhân gây ra. Bệnh nhân bị viêm kết mạc, giác mạc có mủ, mắt sưng nề.
Khi có một trong các triệu chứng trên hoặc có các yếu tố nguy cơ phơi nhiễm, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám và tư vấn, không nên tự mua thuốc điều trị tại nhà để điều trị triệt để, tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Nieubao.vn