Nhiều bệnh tình dục không có các triệu chứng, dấu hiệu gì đặc biệt, song chúng lại gây ra những tác hại nguy hiểm. Bệnh lậu là một trong số đó. Do vậy, các bà bầu cần phải hết sức tinh ý để kịp thời phát hiện những thay đổi dù là nhỏ nhất của cơ thể, đồng thời nắm bắt những kiến thức về đặc điểm, cách lây truyền của bệnh để có được sức khỏe tốt nhất.
Đường lây của bệnh
Lậu là một bệnh nhiễm trùng chủ yếu lây qua đường sinh dục, đường miệng hoặc quan hệ tình dục đường miệng, lây từ mẹ sang con. Thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài 2 – 10 ngày sau khi phơi nhiễm, tùy tình trạng người mắc. Do vậy, có thể chưa có triệu chứng nhưng cảm thấy mình có nguy cơ bị nhiễm bệnh, mẹ bầu cũng nên đi khám.
Triệu chứng ở phụ nữ mang thai
Các triệu chứng của bệnh lậu rất đa dạng, thay đổi tùy thuộc vào mức độ của bệnh cũng như sức khỏe của mẹ bầu. Những triệu chứng điển hình thường là: thay đổi dịch tiết âm đạo, ra “khí hư”, tiểu buốt, tiểu dắt, có cảm giác đau, nóng rát khi đi tiểu, có thể ra máu và đau khi quan hệ vợ chồng.
Nếu quan hệ qua đường hậu môn, mẹ bầu có thể thấy đau, ngứa khi đi ngoài.
Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, thai phụ mắc bệnh mà không có triệu chứng. Vì vậy, bạn nên đi kiểm tra ngay khi cảm thấy mình có nguy cơ mắc bệnh.
Biến chứng bệnh lậu ở phụ nữ mang thai
Nếu bạn đã mắc bệnh từ trước mà không được điều trị, bệnh có thể dẫn tới bệnh viêm tiểu khung, một yếu tố nguy cơ của chửa ngoài tử cung. Bạn cũng có thể bị viêm âm đạo, viêm niêm mạc tử cung, viêm tắc ống dẫn trứng,… làm giảm khả năng thụ thai và tăng các nguy cơ đối với sự phát triển của em bé trong thời kỳ mang thai. Bệnh khiến bạn cảm thấy đau bụng dưới, đau lưng, đau khi giao hợp, có thể ra máu âm đạo, sốt, nôn. Và chắc chắn, sự lo lắng mà bệnh đem lại sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.
Nhiều nguồn thông tin cho rằng, bệnh lậu không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai và đẻ non. Tuy các bằng chứng chưa thực sự rõ ràng và còn nhiều tranh cãi, song tinh thần không thoải mái của các mẹ bầu ít nhiều cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Khi sinh em bé qua đường tự nhiên, vi khuẩn lậu có trong âm đạo của mẹ sẽ lây nhiễm cho em bé, chủ yếu ảnh hưởng tới mắt gây viêm kết mạc cấp tính. Các triệu chứng thường sẽ xuất hiện sau sinh 3 ngày và ở cả hai mắt: mí mắt trẻ biến dạng, sưng, phù nề, tiết nhiều mủ vàng xanh, nhất là khi nhắm nghiền mắt. Kết mạc mắt xuất huyết, trở nên đỏ và đau. Nếu không được điều trị tốt có thể loét, thủng giác mạc và dẫn tới mù. Các biểu hiện toàn thân có thể gặp nhưng hiếm.
Phòng tránh bệnh
Đối với mẹ bầu, để phòng tránh bệnh lậu, ngoài việc quan hệ tình dục an toàn và giữ gìn vệ sinh, các mẹ nên thường xuyên đi khám thai, kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng như bất kỳ khi nào cảm thấy mình có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị đúng, do vậy, việc điều trị sớm và tuân thủ điều trị là hết sức cần thiết, tránh các nguy cơ tới sức khỏe bản thân cũng như thai nhi.
Để tránh lậu mắt ở trẻ sơ sinh, nên nhỏ mắt cho trẻ bằng dung dịch Bạc nitrat hoặc mỡ Tetracyclin hoặc các thuốc kháng sinh khác theo sự hướng dẫn của bác sỹ.
Bất kỳ bệnh nào mẹ bầu mắc trong thời gian mang thai cũng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Do vậy, việc giữ gìn sức khỏe trong khoảng thời gian này là hết sức cần thiết, không chỉ riêng việc phòng tránh bệnh lậu. Mẹ bầu nên đến gặp bác sỹ để được tư vấn khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào để có được sức khỏe tốt nhất cho hai mẹ con.
Nguồn: Theo Benhxahoi